GS.Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam
đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý
nghĩa "đồng bào".
Bậc thang |
Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng
viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên
suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng?
Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được
gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí chủ
nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc
gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai
trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa
hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ
trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.
Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản
dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức
tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý
trọng vốn có của nhân dân với những người
cán bộ, nhẽ ra phải là công bộc của dân
như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy
của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn
ngày càng tăng. Lòng tham khiến làng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì
chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp
lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận
các vùng quê.
Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ
khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng. Hãy để
mắt đến các trang mạng xã hội, trong đó có không ít những tiếng nói trung thực,
thẳng thắn, chứ đâu phải toàn là những điều bị chụp mũ là "diễn biến hòa
bình" hay bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện
nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng
cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu
"Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm,
nhưng số đó quả không nhiều.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật
là vô kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có
cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh
viện, vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh
ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT
khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền
ấy mà không lấy biên bản (!).
Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc
hội nhiều lần mà hầu như chả có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát
nước ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ
việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy
chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã
trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo
đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy
chú ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!
Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc
tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà
phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải
lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm
chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại
cùng chỗ đó...
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ
về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện
nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng
Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!).
May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo
sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường
chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của
trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân
đội, công an... như ở nước ta?
Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn
lâm khoa học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện,
Trường phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới
là Viện sĩ!
Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước.
Quốc hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến
chung là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong
khi không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát
từ việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?).
Có lẽ ai cũng nên tìm xem trên
YouTube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1 giờ liền của một học
sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng". Tôi cảm
thấy nó có tính thuyết phục hơn nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn
tạo kéo dài của nền giáo dục nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này
dưới dạng văn bản để nhiều người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều
kiện tham khảo.
Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra
5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì tôi chọn là:
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng
bào"
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn
một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý
Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì
xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị
đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét