Cho rằng mức đóng bảo
hiểm xã hội (BHXH) thấp dẫn đến mức hưởng các khoản trợ cấp cũng thấp, nhiều
người muốn đóng BHXH theo thu nhập thực tế nhưng không biết có được không.
Thắc mắc
này phát sinh từ việc TAND TP.HCM vừa xử bác đơn kiện của một phó tổng giám đốc
đòi được trả hơn 1,1 tỉ đồng trợ cấp thôi việc. Theo nguyên đơn, công ty phải
tính trợ cấp dựa trên bình quân thu nhập thực tế mà trước đó ông đã đóng thuế
thu nhập cá nhân. Thế nhưng công ty lại căn cứ vào mức tiền lương theo quy định
của Nhà nước. Kết cục thì án phúc thẩm của tòa trên đã xử cho công ty thắng kiện,
cụ thể là nguyên đơn chỉ được nhận 67 triệu đồng.
Mức trần đóng BHXH
-
Chị NTC hỏi: “Tôi đang làm việc ở một
đơn vị sự nghiệp và lâu nay vẫn đóng BHXH dựa theo tiền lương do Nhà nước quy định
(thấp hơn nhiều so với thu nhập hằng tháng của tôi). Vậy tôi có thể đề nghị cơ
quan đóng BHXH cho tôi theo tổng thu nhập để sau này tôi được hưởng các khoản
trợ cấp (trong đó có trợ cấp thôi việc) hay nhận lương hưu nhiều hơn?”.
-
Anh TTV thắc mắc: “Tôi đang làm ở một
công ty tư nhân và hằng tháng được trả khoảng 30 triệu đồng. Có phải để lách luật
nên công ty chỉ đóng BHXH cho tôi ở mức thấp hơn khiến tôi có thể bị thiệt thòi
về sau?”.
Ông Nguyễn
Quốc Thanh, Trưởng phòng Thu - BHXH TP.HCM, cho biết: Theo quy định của
Điều 94 Luật BHXH thì có hai mức tiền lương đóng BHXH. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do
Nhà nước quy định, tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp
bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp
thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối
thiểu chung (hiện nay là 1,05 triệu đồng).
Đối với người
lao động được hưởng lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương, tiền
công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Trường hợp mức tiền lương, tiền công cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì
mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tối đa cũng chỉ bằng 20 tháng lương tối
thiểu chung (hiện nay là 20 tháng X 1,05 triệu đồng = 21 triệu đồng).
Như vậy,
người lao động và người sử dụng lao động không được phép đóng BHXH thấp, cao
tùy ý mà buộc phải theo đúng quy định nêu trên. Trường hợp có tiền công, tiền
lương cao gấp nhiều lần so với lương tối thiểu chung, nếu muốn đóng BHXH
theo mức cao đó thì BHXH cũng chỉ thu trên cơ sở không quá 21 triệu
đồng/tháng. Sở dĩ có ràng buộc này là do các loại trợ cấp như thai sản,
ốm đau, thất nghiệp… khi chi trả đều được tính toán dựa trên mức
lương tối thiểu chung theo quy định.
Mức trả trợ cấp thôi việc
Việc trả
trợ cấp thôi việc được dựa trên cơ sở tiền lương, tiền công đóng BHXH tại
thời điểm thôi việc.
Bà Nguyễn
Thị Dân, Trưởng phòng Lao động tiền lương tiền công - Sở LĐ-TB&XH
TP.HCM, lưu ý: Theo các quy định hiện hành, đối với các tổ chức đơn vị
của Nhà nước, công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên
được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc chuyển đổi từ công ty TNHH
một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đang áp dụng thang bảng
lương, phụ cấp lương do Nhà nước quy định thì áp dụng mức lương tối
thiểu chung để tính lại mức lương, phụ cấp lương trong thang lương,
bảng lương làm căn cứ tính đóng hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT,
tiền lương ngừng việc, nghỉ ngày lễ hằng năm và các chế độ khác đối
với người lao động.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động khác, tiền
lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền
công theo hợp đồng lao động (tính theo bình quân của sáu tháng liền kề trước khi chấm dứt
hợp đồng lao động).
----------------------------------------
Không được phép thỏa
thuận khác
o
Đối với những trường hợp đặc biệt mà cả hai phía đều đồng ý nộp BHXH
theo thu nhập thực tế (chẳng hạn như đơn vị đó muốn tuyển chọn A bằng được và sẵn
sàng chấp nhận mọi yêu cầu do A đưa ra) thì có được xử lý khác hơn?
- - Bà Nguyễn Thị Dân: Một trong những nội
dung cơ bản trong hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động
phải thỏa thuận là công việc phải làm và tiền lương. Mức tiền lương ghi trong hợp
đồng lao động là cơ sở để trả lương và thực hiện các chế độ theo quy định của
pháp luật lao động hiện hành trong đó có chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc
làm, thực hiện đóng BHXH… Trường hợp mức tiền lương do hai bên thỏa thuận cao
hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng
BHXH được áp dụng ở mức trần đã nêu. Luật đã định vậy thì các bên phải chấp
hành nghiêm.
Tìm cách chống lách luật
Theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản
hướng dẫn thi hành thì tiền lương và các khoản phụ cấp lương là hai khoản khác
nhau. Như vậy, tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH đối với đối tượng người
lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định
không bao gồm các khoản phụ cấp.
Về tình trạng doanh nghiệp quy định nhiều khoản
phụ cấp và các khoản phụ cấp lớn hơn nhiều lần tiền lương, tiền công, làm giảm
mức đóng BHXH, gây thiệt thòi cho người lao động khi về hưu, BHXH VN đã báo cáo
Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương, tiền công tháng làm
căn cứ đóng BHXH.
Trong thời gian chưa có quy định mới, nếu phát
hiện có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với tiền lương, tiền công
đóng BHXH thấp hơn nhiều lần so với mức tiền lương, tiền công thực trả, gây thiệt
thòi cho người lao động khi nghỉ hưu thì BHXH các tỉnh kiến nghị xử lý, yêu cầu
doanh nghiệp ký lại hợp đồng lao động, điều chỉnh tiền lương, tiền công đóng
BHXH đối với người lao động theo đúng quy định.
Ông ĐỖ VĂN SINH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt
Nam
(Công văn số 1374 ngày 16-4-2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét