(Phamvietdao.net) – Nho sinh phải mất rất nhiều công phu học và vất vả
gian nan. Cực khổ nhất là phải chờ hai ba năm mới có kỳ thi. Khi đi thi thí
sinh lại phải mang theo lều, chõng, thức ăn, lặn lội xa xôi lên kinh thành.
Giáo dục khoa cử ở Việt Nam có từ thời nhà Lý, kì thi đầu tiên vào năm
1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đến năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lật đổ triều
Tây Sơn và lập nên triều Nguyễn, dù là một triều đại trong thời kì cận đại
nhưng nhà Nguyễn vẫn duy trì Nho học bởi tư tưởng Nho giáo vẫn còn là công cụ
cai trị hữu hiệu cho một triều đình phong kiến.
Trường học thời nhà Nguyễn là nơi học sinh đến để học chữ Nho và Nho
giáo. Ở nông thôn cũng như thành thị trước khi khoa cử bị bãi bỏ vào đầu thế kỷ
20 đều có những thầy đồ mở trường tư tại gia dạy học.
Thầy đồ đa số là những vị quan về hưu hoặc những người chỉ đỗ tú tài tự
ý mở lớp chứ không có sự giám sát của chính quyền. Một người thầy hay chữ có thể
có đến hàng nghìn học sinh theo học. Với số đông như vậy thầy giáo thường chọn
lấy một người học trò giỏi giang hơn cả mà giao phó trách nhiệm làm trưởng
tràng, giúp thầy trông coi các môn đệ. Ngoài ra lại có cán tràng và giám tràng
hiệp lực.
Trẻ con muốn nhập học thì thường mang xôi, gà đến biếu thầy và làm lễ
khai tâm, cúng Khổng Tử để xin làm đệ tử.
Ở những làng giàu có thì một phần công điền gọi là "học điền"
có thể được dùng để lấy tiền gạo nuôi thầy đồ trong làng, còn ở những làng
không có phương tiện thì chỉ nhà giàu mới có tiền cho con theo học mà thôi.
Ngoài ra còn có một số cơ sở giáo dục thuộc nhà chùa, tuy không với mục
đích dạy học trò để thi đỗ nhưng cũng góp phần vào việc đào tạo một số người.
Triều đình thì ở cấp huyện trở lên mới tham gia trong việc giáo dục. Thấp
nhất là trường huyện có quan huấn đạo (hàng thất phẩm) dạy. Lên tới phủ thì
quan Giáo thụ (hàng lục phẩm) rồi Đốc học (hàng tứ phẩm) ở trường tỉnh trông
coi.
Kể từ năm 1803 thì ở Huế mở trường Quốc Tử Giám để các con quan và những
người trúng tuyển ở các tỉnh vào thụ giáo các quan tế tửu và tư nghiệp.
Về tổ chức khoa thi, đời vua Gia Long chỉ tổ chức thi Hương, nhưng đến đời
vua Minh Mạng khoa cử được chỉnh đốn lại và năm 1828 mở thi Hội, rồi thi Đình để
chọn tiến sĩ.
Vua Minh Mạng cũng ra thêm học vị Phó bảng năm 1829 để chọn đỗ thêm người.
Đặc biệt, việc thay đổi thời này là việc bỏ Đệ nhất giáp, học vị Trạng Nguyên,
Bảng nhãn không còn trên khoa bảng nữa. Những thay đổi ở đời Minh Mạng kéo dài
mãi đến năm 1919, thể chế khoa bảng chính thức bị bãi bỏ.
Năm 1887, thực dân Pháp xâm lược ở nước ta, người Pháp đã tổ chức ra một
bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương, cách tổ chức
thi cử,giáo dục từ đó cũng thay đổi theo. Trong giai đoạn đầu (1862-1917) ở Bắc
Kỳ và Trung Kỳ có sự tồn tại song song giữa một chế độ khoa cử kiểu Nho giáo,
và chế độ giáo dục của Pháp ở Nam Kỳ.
Như vậy, nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng áp dụng hình thức
thi cử theo lối nho giáo tồn tại cả ngàn năm.
Cùng nhìn lại khoa cử, giáo dục thời Nguyễn:
1. Thầy đồ làng |
2. Thầy đồ làng |
3. Trường Quốc học Huế |
4. Nho sĩ thời Nguyễn |
5. Trường thi Nam Định năm 1897 |
6. Cảnh lều chõng đi thi |
7. Cảnh lều chõng đi thi |
8. Giám khảo coi thi |
9. Giám khảo coi thi |
10. Bảng vàng |
11. Sĩ tử và thân nhân nghe xướng danh |
12. Tổng đốc thay mặt nhà vua ban yến tiệc cho các tân khoa |
13. Tân khoa dự tiệc |
14. Tân khoa dạo phố |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét