Pages

30 thg 4, 2013

Bài thơ "Sóng vẫn đập vào eo biển" làm nức lòng 2 chiến tuyến Nam - Bắc


Trong lịch sử thơ văn cận đại, nhà thơ Lê Văn Ngăn và bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” là trường hợp duy nhất được cả hai bên chiến tuyến Nam - Bắc Việt Nam trân trọng.

Thi sĩ Lê Văn Ngăn.
Lê Văn Ngăn sinh năm 1944 ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế, hiện sống tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Ông là một tiếng thơ vừa vang dội, vừa lắng đọng trong phong trào học sinh - sinh viên yêu nước trong các đô thị miền Nam trước 1975. Về già, thơ ông vẫn "sung", vẫn tả xung hữu đột…
Năm học đệ nhất (lớp 6 bây giờ) ông từng có thơ in trên Báo Phụ nữ Thứ bảy - Sài Gòn. 18 tuổi, ông viết bài "Người phu xe": "Cha đã lăn cho con những vòng xe / mồ hôi chảy xuống lấp lánh mặt trời/ đọ sức cùng thiên nhiên/ (…) Sao mà những nếp nhăn/ sao mà khuôn mặt héo…". Bài thơ này đã làm nhiều bạn bè của ông xúc động khôn xiết!
Thời sinh viên (khóa 3, năm 1964 - 1966) ở Trường Sư phạm Quy Nhơn, ông đã từng in ronéo tập thơ có tựa "Trên đồng bằng". Năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ phát đi bài thơ "Sóng vẫn đập vào eo biển", tờ Thống Nhất đăng bài "Đất của những người bất phục" khiến tên tuổi Lê Văn Ngăn được các kẻ sĩ Bắc Hà chia sẻ như một đồng chí trên cùng một chiến tuyến...
Năm 1972, lúc nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng bài thơ của mình, anh lính tiếp vụ người Huế (lính hậu cần) của chính quyền Sài Gòn là Lê Văn Ngăn sung sướng đến bàng hoàng khi biết mình bị những người bên kia chiến tuyến… “đạo thơ”. Đến tận bây giờ, ông cũng không hiểu bài thơ của mình ra đến miền Bắc và lên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng cách nào?
Thi sĩ quân ta “săn lùng” nhà thơ quân địch
Ngay khi mới ra đời, bài thơ ấy được những người yêu nước cả hai miền thấy trong đó như có cả nỗi lòng của mình: Tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên…./Cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc/Dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động.
Bài thơ ấy nổi danh ngoài miền Bắc, các thi sĩ nhà ta trong đoàn quân giải phóng tiến vào Nam không ai không biết, nhưng mặt mũi Lê Văn Ngăn ra sao thì mù tịt. Sau khi giải phóng, bất ngờ “ngài” trung sĩ quân tiếp vụ của Việt Nam cộng hòa bị gọi lên, người gọi lên cũng là một nhà thơ, tất nhiên là “quân ta”, đó là thi sĩ Thanh Thảo, người hiện nay đang nổi tiếng về viết… bình luận bóng đá.
Gặp mặt lần ấy, Thanh Thảo chỉ hỏi “Anh là Lê Văn Ngăn hả? Vậy anh có biết một Lê Văn Ngăn làm thơ không?”, thi sĩ lừng danh của “quân địch” chỉ dám thưa “dạ! Tui là Lê Văn Ngăn và cũng có làm thơ” – “Vậy bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” và “Mảnh đất của những người bất phục” là của ai?” – “Dạ! Là tui làm ạ”… Vậy là khỏe! Chàng thi sĩ “quân địch” này được hẳn một chiếc xe Jeep hộ tống đưa về tận nhà. Ơn giời! Nhờ có giải phóng mà lần đầu tiên, Lê Văn Ngăn mới biết là làm thi sĩ nó oai thế nào?
Được Trịnh Công Sơn giác ngộ
Có một điều hiếm người biết, từ trước khi bài thơ lừng danh kia ra đời rất lâu thì trong lòng Lê Văn Ngăn đã rất nể trọng những anh lính Việt Cộng dù ông chưa một lần giáp mặt. Việc này bắt nguồn từ một câu chuyện kể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hoạt động nghệ thuật cùng lứa với các đồng hương Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập… nhưng Lê Văn Ngăn “lặng lẽ như một kẻ thơ thẩn tìm thơ”, trong lòng ông lúc nào cũng dành một góc trang trọng cho người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh mà ông luôn coi là bậc đàn anh đáng kính.
“Gần như không dám so sánh mình Trịnh Công Sơn mà thi sĩ họ Lê chỉ ngậm ngùi “anh Sơn là người hay, gia cảnh sang giàu, không vướng víu nên anh trốn đi lính Cộng hòa nhẹ như lông hồng. Còn moa vướng mẹ già, em dại, gia cảnh bần hàn nên không theo được anh Sơn. Đau dễ sợ!” - Thi sĩ Lê Văn Ngăn
(Theo Dân Việt)

Sóng vẫn đập vào eo biển - Lê Văn Ngăn

1.
Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng
Qui Nhơn Qui Nhơn đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những đầm nước mặn
im bóng cửa nhà
Qui Nhơn Qui Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én
Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ
tìm lòng em đáp xuống
dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió
dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi
dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi khác
dù trên cao tôi nhìn thấy em
bình lặng
bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu phủ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi
chẳng phải em thiếu kín đáo, nhưng tôi biết em muốn gửi tới một điều gì
Qui Nhơn Qui Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em
và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà
căng lòng mình ra như tấm áo
trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng
che chở được em
giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ trên quê hương tôi
đã đặt trước mặt tôi những trại giam
giờ đây tôi không gần được em, nhưng tôi tin
nếu khi trở về thì khi nào tôi đến
em sẽ mở lòng em ra

Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ
em còn cất giữ
và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu
em sẽ tự xé rách lòng em, che dấu những người bất khuất, những người đã gọi em
Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn
tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên
và những vườn hoa bưởi
những vại nước lấm tấm bông cau
cũng có mùi hoa gạo
cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động

2
Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước
và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát
lang thang quanh những vùng yên lặng
dừng chân ở chiếc quán đông người
sóng vẫn đập vào eo biển
tiếng sóng dịu dàng và cương quyết
tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều
vâng, điều ấy
chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được
vâng, điều ấy
giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao
giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng
giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em
vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò
vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi
vâng, điều ấy
khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người
bao nhiêu năm ở gần em, những chiếc phi cơ đáp xuống buổi mai
rời khi trời tối
bao nhiêu năm, những chiếc xe lam, những thỏi đường mới lọc, những bàn tay trong những bàn tay
bao nhiêu năm em chưa trả lời cho tôi biết
nhưng tôi tin
dù nơi nào, trong ngục tù hay giữa cánh đồng
bằng tín hiệu của sóng biển
em vẫn cần gọi tôi về, lấy thân làm vật cản che chở em

3
Qui Nhơn Qui Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những người định cư, những người tứ chiếng
nơi em
quê hương chẳng phải điều trừu tượng
điều ấy, tôi giữ trong lòng
và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển.

(Báo Đối diện, số 33, tháng 3-1972)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons