Pages

4 thg 5, 2013

Bộ trưởng hứa: “Méo mó có hơn không”?!


Theo chúng tôi thống kê, đã có 7/22 bộ trưởng cam kết trách nhiệm trên vương vị là người đứng đầu để xử lý những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực mình quản lý.
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, người giữ kỷ lục về lời hứa. Và có lễ cũng là Bộ trưởng thu được nhiều kết quả nhất từ lờ hứa, nếu căn cứ theo số liệu báo cáo.


Ngày 23/11/2011, khi mới nhậm chức Bộ trưởng hơn 3 tháng, trả lời chất vấn trước Quốc hội Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa: “Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước”. Về ùn tắc giao thông, Bộ trưởng nói: “Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường”.
Sau đó 5 tháng, ngày 24/4/2012, trả lời Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Thăng lại cam kết: “Cuối năm 2012 sẽ giảm được số vụ tai nạn và giảm hơn 2.000 người chết so với năm 2011”. Cũng tại buổi giải trình này, Bộ trưởng Thăng lần đầu nhận lỗi nhận lỗi trước Quốc hội và trước nhân dân khi hầu hết các dự án, công trình giao thông chậm về tiến độ và kém về chất lượng. Bộ trưởng Thăng cũng hứa sẽ khắc phục tình trạng này bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
Tổng kết năm 2012, theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, tai nạn giao thông quả thực đã giảm so với năm 2011, giảm gần 17% số vụ, giảm hơn 14% số người chết và giảm tới 20% số người bị thương.
Tuy nhiên, bước sang năm 2013, tai nạn giao thông lại tăng, 4 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn và số người bị thương có giảm, nhưng số người tử vong lại tăng. Đặc biệt là trong tháng 4, số người chết tăng hơn 12% so với tháng trước đó.
Tháng 10/2012, khi làm việc với tỉnh Đồng Nai để rà soát lại các trạm thu phí trên quốc lộ 20, Bộ trưởng Thăng tiếp tục hứa sẽ bỏ trạm thu phí ở huyện Định Quán (đặt tại huyện Định Quán – giáp ranh với huyện Tân Phú, Đồng Nai) trong quý 4/2012.
Tuy nhiên, đến nay lời hứa này vẫn chưa được thực hiện, thậm chí mức phí qua trạm này còn tăng lên, khiến cử tri của huyện bức xúc bảo “Bộ trưởng thất hứa với cử tri” Ngay sau đó, ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Thăng đã lên tiếng giải thích, chưa thể bỏ trạm thu phí như đã hứa vì còn phải thu phí để trả nợ vốn đều tư dự án. Và rồi Bộ trưởng lại hứa, chậm nhất trong quý 3/2013 sẽ có trạm thu phí mới thay thế trạm Định Quán.
Còn nhớ khi chuẩn bị thu Phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Thăng cũng cam kết “không có chuyện phí chồng phí”, nhưng tới thời điểm thu phí (1/1/2013), vẫn còn 40 trạm thu phí dự án BOT và bán quyền thu phí hoạt động. Đặc biệt hơn, trong đề án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, sẽ có thêm khoảng 20 trạm thu phí mới trên toàn tuyến, với mức thu dự kiến trong tương lai gần sẽ tăng gấp 3,5 lần hiện nay, được “điều chỉnh” 3 năm một lần, kéo dài tối thiểu 20 năm.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26/3/2011: “Biện pháp giảm tải không thể thực hiện một sớm một chiều. Năm 2013 sẽ giảm tải ở các bệnh viện lớn. Muốn giải quyết tốt nạn quá tải bệnh viện phải ngoài năm 2015”.

Ngoài ra, bà Bộ trưởng Y tế cũng hứa, riêng năm 2012, Bộ Y tế sẽ ra thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, giúp cải cách tiền lương, điều chỉnh giá dịch vụ theo phương thức tính mới. Theo đó, vào năm 2014 sẽ có giá dịch vụ tăng gấp 2 lần hiện nay.
Tới thời điểm này, lời hứa giảm tải bệnh viện vẫn chưa thực hiện được, thậm chí chính Bộ trưởng Tiến phải lên tiếng ví von “tuyến trung ương thì đến thăm là thấy khổ tâm, bệnh viện như trại tị nạn”.
Nhưng với lời hứa “điều chỉnh giá dịch vụ y tế” thì đã được thực hiện ngay và luôn, khi từ cuối năm 2012 giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại hầu hết các bệnh viện đã được điều chỉnh tăng, và trong đầu năm 2013 vẫn tiếp tục tăng.
Với lời hứa nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến địa phương, chưa biết lời hứa này được thực hiện ở đâu, chứ chắc chắn không phải ở Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) và Bệnh viện Nhi Nghệ An, khi trong ngày 20 và 23/4 vừa rồi, lần lượt mỗi bệnh viện có một bệnh nhân tử vong, mà theo người nhà là do tắc trách, vô cảm của bác sĩ.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi mới nhậm chức (tháng 8/2011) hứa: “Sẽ đưa giá vàng trong nước về sát thế giới”, bởi Thống đốc cho rằng giá trong nước cao hơn thế giới 400.000 đồng/lượng là bất ổn.

Người dân vẫn nhớ lời hứa này bởi họ bức xúc khi vàng liên tục bị làm giá, có lúc cao hơn thế giới tới 7 triệu đồng/lượng. Và giờ duy trì ổn định ở mức 5-6 triệu đồng/lượng so với thế giới.
Thời điểm đó, Thống đốc cũng đồng thời tuyên bố, giảm lãi suất cho vay về 17-19% trong vòng 2 tháng sau ngày nhậm chức và giữ tỷ giá tăng không quá 1% cho tới cuối năm 2011. Ngày 25/3/2013, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất huy động xuống còn 7,5%/năm để thúc đẩy tín dụng. Trong khi đó, đơn vị quản lý cho rằng lãi suất cho vay không thể giảm nhanh mà phải có những độ “trễ” nhất định.
Chiều 21/8/2012, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Bình nói: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đến cuối nhiệm kỳ này sẽ đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn”.
Chỉ hai tháng sau, tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30/10/2012, Thống đốc Bình phát biểu: “Với tư cách là Thống đốc, tôi không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo đề án, đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, tức là khoảng 3%”. Vì theo ông, xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, nên riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về quá trình này.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Vương Đình Huệ khi mới lên nhậm chức hứa sẽ ưu tiên giải quyết lạm phát, quản lý nợ công, minh bạch giá xăng dầu và giá điện, sau đó ông chỉ đạo thanh tra, kiểm toán hàng loạt doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, cũng như Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nhưng rồi tới nay, giá xăng dầu và điện vẫn là mặt hàng “mờ ám” nhất.

Hòa cũng lời hứa của Bộ trưởng, sau cú sốc giá xăng tăng lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít ngày 28/3/2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cam kết: “Cố gắng đảm bảo tính minh bạch về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong thời gian tới, Liên bộ sẽ tiến hành công khai để báo chí, nhân dân cùng giám sát, giúp cho việc điều hành xăng dầu được tốt hơn”. Còn thời gian tới là bao giờ thì người dân tiếp tục chờ đợi.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng hứa phá băng thị trường bất động sản, tới nay thị trường này vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
5. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 11/2012, khi nói về đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Dũng hứa: “Với số liệu hiện nay, nước đến mức tràn (161m) thì bà con hoàn toàn yên tâm, không phải đi đâu hết”. Nhưng rồi, sau đó động đất liên tục xảy ra, người dân vùng hạ lưu nhiều lần trong mơ vẫn phải chạy lên núi vì sợ vỡ đập.


6. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thể hiện quyết tâm rà soát quy hoạch ngành điện, quy hoạch phát triển thủy điện. Theo lời Bộ trưởng Hoàng, những dự án không đạt tiêu chí về xã hội, môi trường, chất lượng hiệu quả… sẽ bị dừng hoặc loại bỏ. Và đầu năm 2013, hàng loạt dự án thủy điện nhỏ, không an toàn đã bị loại bỏ. Nhưng những tranh cãi quanh chất lượng thủy điện Sông Tranh 2; kiến nghị hủy hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn chưa có hồi kết.


7. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang từng hứa sẽ phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ và người đứng đầu UBND các tỉnh thành đến ngày 31/12/2012 sẽ giải quyết những vụ việc trọng điểm về đất đai. Đồng thời giải quyết những vấn đề thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của “ba nhà” (nhà nước, doanh nghiệp, người dân) sẽ được công bố công khai rộng rãi cho người dân rõ.

Nhưng tới nay, những vụ việc liên quan đến vấn đề đất đai vẫn còn là vấn đề nóng bỏng trên mọi tỉnh thành. Một số vụ việc nổi cộm như ở Văn Giang, Tiên Lãng… dường như vẫn còn nhiều việc phải làm. Mới đây, tại Tiên Lãng (Hải Phòng) lại tiếp tục nóng khi doanh nghiệp thuê côn đồ về hành hung người dân để giải phóng mặt bằng.
8. Trưởng ban Nội chính Trung Ương, ông Nguyễn Bá Thanh khi mới nhậm chức từng đưa ra nhiều tuyên bố xử lý tiêu cực, tham ô, tham nhũng, đăc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, ông từng tuyên bố: “Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái (của lĩnh vực ngân hàng – PV), cho “hốt liền”, không nói nhiều. Cho nên một số ông giờ đang ngồi run”. Tới nay, Ban Nội chính Trung ương đã cơ bản xong khâu tổ chức nhân sự và đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa rõ đã có cán bộ ngân hàng nào bị xử lý hay chưa?


Theo cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ hiện nay, Chính phủ có tổng cộng 11 Bộ và Cơ quan ngang Bộ, với 7/22 Bộ trưởng dám đưa ra lời hứa, chưa cần biết sẽ thực hiện thế nào, đã là tín hiệu thể hiện trách nhiệm của Bộ trưởng với lĩnh vực mình quản lý. Hay như các cụ ngày xưa từng nói: “Méo mó có hơn không”!?
Theo Phụ nữ today

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons