(Vnexpress) - Kinh tế 2013 có lóe sáng nhưng chưa phục hồi, còn nhiều
doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường. Nếu không có giải pháp, khu vực kinh tế
tư nhân sẽ thu hẹp, ảnh hưởng tới sự phát chung, theo chuyên gia kinh tế Huỳnh
Bửu Sơn.
Ông Huỳnh Bửu Sơn. Ảnh: PV |
-
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định kinh tế 2013 còn khó khăn. Quan điểm của
ông về vấn đề này?
- Theo dự báo của ADB, tăng trưởng
GDP của Việt Nam năm nay 5,2%, lạm phát khoảng 7,5%, tất cả đều dưới một con số.
Các tập đoàn Nhà nước từng bước tái cấu trúc, củng cố hoạt động kinh doanh nên
nhập khẩu giảm và cán cân thương mại có thể thặng dư. Tuy nhiên, ngân sách Nhà
nước có thể thâm hụt lớn hơn so với kế hoạch là 4,8%.
Kinh tế 2013 có lóe sáng đôi chút
nhưng chưa thể hồi phục. Các ngân hàng khó khăn. Doanh nghiệp thiếu vốn cắt giảm
sản xuất, khiến lợi nhuận giảm.
-
3 tháng đầu năm, chỉ tính riêng TP HCM có thêm 5.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Theo ông, tình hình hoạt động của
doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ ra sao?
- Sẽ còn nhiều đơn vị yếu kém biến
mất khỏi thị trường. Doanh nghiệp Việt
chết là do không trả được nợ. Ngoài ra có những công ty bỏ chi phí sản xuất
cao nhưng hàng hóa không cạnh tranh được dẫn đến tồn kho lớn và kéo dài nên
không kham nổi.
Hiện tượng doanh nghiệp chết lâm sàng vẫn còn nhiều. Nếu đà này
không được chặn đứng, khu vực kinh tế tư doanh Việt Nam sẽ bị thu hẹp. Điều này
rất đáng lo ngại vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ và chất lượng tăng
trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
-
Vậy những lĩnh vực nào sẽ chịu nhiều thách thức nhất trong năm nay?
- Bất động sản và chứng khoán vẫn gặp
nhiều thách thức nhất. Trong những năm qua, thị trường bất động sản tăng trưởng
theo kiểu bong bóng khiến giá nhà giá đất cao ngất ngưởng. Các tòa cao ốc,
chung cư xây xong không có người mua. Một số nước, khi bong bóng vỡ, giá nhà
rơi xuống hơn 50%. Ở Việt Nam vẫn còn mắc cạn trong khâu xử lý các khoản nợ.
Nhà đầu tư cũng là người vay nợ nên không cam tâm chấp nhận thực tế giá xuống
quá thấp. Thị trường bất động sản do đó tiếp tục đóng băng.
Công nghiệp nặng cũng là ngành gặp
nhiều thách thức. Ví dụ ngành sản xuất thép. Cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở,
lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không nhiều do phải hoạt động trong môi trường
chi phí cao. Khi sự bảo hộ Nhà nước kết thúc sẽ dễ dàng mất ưu thế về tay đối
thủ nước ngoài như Trung Quốc.
Các chính sách vĩ mô còn thiếu hỗ
trợ tích cực cho doanh nghiệp. Cụ thể, thuế suất của Việt Nam so với các nước
trong khu vực còn cao. Theo một công trình nghiên cứu, mức huy động ngân sách
(thuế) của nước ta lên đến 27% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ
17-18%. Lãi suất ngân hàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực thuộc vào
hàng cao nhất, chưa kể nhiều yếu tố không tên khác làm tăng chi phí cho doanh
nghiệp.
-
Liệu có lĩnh vực, nhóm ngành nào sẽ có cơ hội kinh doanh tốt trong năm nay?
- Theo tôi, ở bất cứ lĩnh vực nào,
nếu doanh nghiệp có kinh nghiệm, công nghệ tốt, kỹ năng quản lý và biết tập
trung vốn vào ngành nghề sở trường sẽ giữ được thị trường truyền thống của
mình. Điều này cũng giúp họ có cơ hội chiếm lĩnh những khoảng sân trống do các
doanh nghiệp thất bại để lại, giúp tăng doanh số, tăng thị phần ngay trong năm
nay.
Ví dụ, ai cũng nói ngành may mặc gặp
khó vì cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, nhưng Công ty An Phước vẫn phát triển
mạnh với tốc độ trên 20% một năm. Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, Công
ty Kềm Nghĩa không đủ hàng cung cấp cho thị trường mặc dù sản lượng tăng gần
20%.
-
CPI 4 tháng tăng 2,41%, trong khi lạm phát dự báo năm nay 6-7%. Ông đánh giá
như thế nào về tốc độ tăng giá tiêu dùng những tháng tới?
- Tôi nghĩ lạm phát 7-10% không
đáng sợ bằng đình trệ sản xuất. Nếu kiềm chế lạm phát bằng cách siết tín dụng,
tăng lãi suất ngân hàng, sản xuất sẽ chết.
Kiểm soát lạm phát là cần thiết
nhưng phải có quốc sách đồng bộ, cân đối cả hai chính sách tiền tệ, tài khóa và
cần giảm độc quyền trong kinh doanh - yếu tố quan trọng gây tăng giá.
Ví dụ: đôi khi giá dầu thế giới giảm
nhưng trong nước vẫn duy trì giá bán lẻ xăng dầu cao. Đây là sự tăng giá mang
tính độc quyền và không phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Mặc khác, một trong những nguyên
nhân quan trọng đưa đến lạm phát là khu vực kinh tế Nhà nước đầu tư không hiệu
quả. Giảm bớt đầu tư Nhà nước sẽ giảm khiếm hụt ngân sách. Theo tôi, chính sách
tài khóa tiết kiệm và khoan dưỡng sức dân sẽ góp phần kiềm chế lạm phát tốt hơn
chính sách tiền tệ thắt chặt.
-
Năm 2013, cơ hội đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ thế nào, thưa ông?
- Trong tình hình hiện nay, Nhật và
các nước phương Tây có xu hướng rút vốn ở Trung Quốc, để dịch chuyển sang đầu
tư mạnh ở vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Nếu Việt
Nam có môi trường đầu tư, pháp lý tốt sẽ hút được đầu tư.
Dự báo năm 2013, nguồn vốn nước
ngoài sẽ vào Việt Nam nhích hơn so với 2012. Trước đây, thị trường bất động sản
và thị trường vốn của Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay họ
chỉ quan tâm mua lại các dự án giảm giá sâu mà không nghỉ đến chuyện đầu tư mới
(chắc phải vài năm nữa).
Lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, dịch
vụ giải trí, du lịch, phục vụ tiêu dùng nội địa sẽ nằm trong tầm ngắm của nhà đầu
tư nước ngoài. Tuy nhiên, xu hướng tham gia góp vốn vào công ty bản xứ làm ăn tốt
đang trội hơn xu hướng đầu tư mới trong năm nay, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài
đang rất dè dặt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét