Ngày Quốc tế Lao động hay ngày 1
tháng 5 là ngày lễ kỷ niệm của phong trào công nhân quốc tế. Vào các ngày 1
tháng 5, tại nhiều nước trên thế giới, có khi tại Mỹ và Canada, thường có các
cuộc biểu tình trên đường phố của hàng triệu người lao động và các tổ chức công
đoàn của họ. Vào ngày này, các phong trào cộng sản, cánh tả, các tổ chức theo
chủ nghĩa vô chính phủ cùng với các công đoàn liên minh thực hiện các cuộc tuần
hành trên đường phố yêu cầu mở rộng các quyền lao động và an sinh xã hội.
Lịch sử:
Năm 1883, tại thành phố công nghiệp
lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của
tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là
ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày
này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước
quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công
nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã
tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu
tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến
nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá
8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui
chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong
ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc
bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore,
Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ.
Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề.
Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh,
thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân.
Đặc biệt, ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hàng
trăm người chết và bị thương. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến nhiều người chết
và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... gây nên sự kiện thảm sát
Haymarket năm 1886 tại Chicago, Mỹ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận
yêu sách của công nhân.
Ngày 20/6/1889, ba năm sau "thảm
kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris
(Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich
Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày
1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản
các nước.
Tại Việt Nam:
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra
đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh
cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do -
dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng
tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật
bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận
bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu
tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân
tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn
người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ
hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc
mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu
dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một
bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945,
nước nhà độc lập, ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định
công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1/5
hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức
hàng năm của Nhà nước ta.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã
trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân
dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do,
dân chủ và tiến bộ xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét