Võ Văn Tạo
Nhà báo Võ Văn Tạo (phải) |
Báo Tuổi Trẻ ngày 27-4 có bài Đấu
thầu vàng không phải để bình ổn giá. Bài báo cho biết, tại cuộc họp báo chiều
26-4 của Văn phòng Chính phủ, trước thực trạng khó hiểu: sau mỗi phiên Ngân
hàng nhà nước đưa vàng ra bán đấu thầu, giá vàng trong nước càng tăng, càng bỏ
xa giá vàng thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng biện bạch: “Khi
Ngân hàng nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu
vàng miếng thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt động bình ổn thị
trường và Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá”(!).
Người đại diện Ngân hàng nhà nước
tung ra cái hỏa mù: Ngân hàng nhà nước (bán) đấu thầu vàng là góp phần tăng lượng
cung trên thị trường vàng. Nếu không, trong bối cảnh không cấp phép nhập vàng để
sản xuất vàng miếng, thị trường trong nước còn biến động rất mạnh.
Thế nhưng, ông Hưng lảng tránh câu
hỏi: tại sao Ngân hàng nhà nước không cấp phép nhập vàng cho sản xuất vàng miếng,
ngõ hầu tăng hơn nữa lượng cung, đủ mức để ổn định, cân bằng thị trường vàng?
Trên báo chí, tại các diễn đàn, nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng giá
vàng trong nước suốt mấy năm quá cao so với thế giới là động lực ghê gớm thúc đẩy
hoạt động gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, ngân sách thất thu thuế, không lực lượng
chống buôn lậu nào ngăn nổi. Lại nữa, vàng càng tăng giá, người ta càng có xu
hướng ẩn náu vào vàng, hạn chế bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh. Đương nhiên, lực
hút của vàng cũng làm giảm chi tiêu mua sắm hàng hóa, hậu quả là sản xuất điêu
đứng. Giá vàng trong nước biến động cao bất thường suốt thời gian dài – ai được,
ai mất? phương hại đời sống kinh tế – xã hội đến mức nào?
Dưới nhãn quang kinh tế học, một
cách hài hước, luận điểm “Khi Ngân hàng
nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu vàng miếng
thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt động bình ổn thị trường và
Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá” của đại diện Ngân hàng nhà nước đáng
được lấy làm đề tài luận án tiến sĩ ngành ngân hàng, đem bảo vệ trước Hội đồng
nơi chú Cuội – chị Hằng và nhận giải Nobel kinh tế trên sao Hỏa, bởi ý tưởng
trên cực kỳ “mới”, có thể coi là phát minh “độc đáo”.
Lịch sử kinh tế học, khi đề cập đến
thị trường, các kinh tế gia, thuộc mọi trường phái Đông – Tây, kim – cổ, chưa
bao giờ hình dung nổi một kiểu thị trường không liên quan, dính dáng gì đến giá
cả, kể cả ở thị trường sơ khai hàng đổi
hàng, thời chưa xuất hiện tiền tệ là vật trao đổi trung gian – thời “1 cái rìu
= 5 con dê”. Ai có hiểu biết về kinh tế học cũng đều biết điều sơ đẳng: đề
cập đến thị trường, không thể không gắn liền với giá cả. Không chỉ vậy, cùng với
các yếu tố cơ bản như tổng cung thị trường, tổng cầu thị trường, giá cả là yếu
tố xuyên suốt, bao trùm mọi khía cạnh và động thái của thị trường. Nói một cách
khác, không có yếu tố giá cả, không có khái niệm thị trường. Quy luật chung của
kinh tế thị trường là, khi tổng cung tăng, giá cả sẽ giảm. Nghĩ nát óc, người
có kiến thức kinh tế cũng không thể hiểu, bằng cách nào, Ngân hàng nhà nước,
trong khi không đặt mục tiêu bình ổn giá vàng, mà lại có thể nhắm tới và thực
hiện được bình ổn thị trường vàng? Thị trường là khái niệm kinh tế học, diễn giải
nôm na là cái chợ. Có cái chợ nào không dính tới giá cả?
Thực tế, trên thị trường vàng Việt
Nam gần đây, sau những phiên Ngân hàng nhà nước tung hơn 12 tấn vàng ra bán,
giá vàng không những không giảm, mà lại càng tăng. Phải chăng, đây là đặc điểm
riêng có của phương thức quản lý kinh tế thị trường, gắn cái đuôi định hướng ....?!
Không cần thông minh cũng hiểu, trước
hiện tượng tréo ngoe: càng tung vàng ra bán đấu thầu, giá vàng càng lên, càng bỏ
xa giá vàng thế giới, lập luận “Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá” nhằm
tránh cơn giận dữ chính đáng của công luận, trước thực tế suốt mấy năm nay, giá
vàng trong nước luôn cao chót vót, chênh lệch có thời điểm lên tới 7 triệu đồng/lượng
so với giá vàng trên thị trường thế giới. Và hệ quả của nó, đến các bà nội trợ
cũng thấm thía, vàng lên giá không chỉ là chuyện của những người cầm vàng.
Vàng cao bất thường, tác động lên
giá cả, từ hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu… đến giá nhà ở, bất động sản,
vật tư nguyên liệu sản suất… còn trực tiếp và dữ dội hơn tác động của các
phương tiện dự trữ, thanh toán khác như ngoại tệ, đá quý, chứng khoán… Việc giá
vàng trong nước liên tục “nổi điên”, không thể không phương hại dữ dằn đến sản
xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Hiện tượng thực tế hơn 12 tấn vàng
được Ngân hàng nhà nước tung ra bán, càng làm thị trường vàng trong nước lên
cơn khát, làm giới kinh tế suy đoán hai khả năng. Một là, lượng cung tăng như
muối bỏ biển trước nhu cầu của các ngân hàng thương mại và người dân. Nếu tiếp
tục bán ra mà không nhập khẩu để thay thế, bổ sung, chẳng mấy nữa, dự trữ vàng
trong ngân khố quốc gia làm sao tránh khỏi về “mo”? Nếu không bán nữa, làm sao
giá vàng có thể hạ? Hai là, không loại trừ khả năng giới đầu cơ ở các ngân hàng
thương mại tin chắc ở khả năng vẫn lũng đoạn được cơ chế điều hành vàng của
Ngân hàng nhà nước – tới đây, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục không cấp phép nhập
vàng, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng, duy trì mức chênh lệch lớn so với
giá vàng thế giới.
“Ngân hàng nhà nước không bình ổn
giá” – Ô hay! Ngân hàng nhà nước đứng ở đâu trong vai trò quản lý nhà nước đối
với nền kinh tế và đời sống xã hội? Kìm hãm mức tăng của chỉ số giá cả là mục
tiêu tối quan trọng của Chính phủ, đến mức hầu như phiên họp nào cũng bàn tới.
Nhưng đó là chuyện của Chính phủ, Ngân
hàng nhà nước bất biết, bất cần?
Thị trường là thị trường, chẳng
liên quan gì đến giá cả? Bình ổn thị trường không dính dáng gì đến bình ổn giá
cả? Với lập luận: “Khi Ngân hàng nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt
động đấu thầu vàng miếng thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt động
bình ổn thị trường và Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá”, Ngân hàng
nhà nước đang diễn xiếc trước công luận?
V.V.T.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét