Pages

8 thg 5, 2013

Nghèo không tới, tối thiểu không xong

(TuanVietNam) - Sẽ thế nào nếu một chiến dịch như "Sống dưới mức nghèo đói" được thực hiện cho các nhà lãnh đạo, cán bộ chính quyền ở Việt Nam.

1.
Gia cảnh quẫn bách, bệnh tật dai dẳng đã đẩy một người phụ nữ đến bước đường chọn cái chết để mong giảm gánh nặng cho gia đình và con được đi học.
Trong bức thư tuyệt mệnh của vợ, người mẹ suốt đời vất vả, tần tảo - chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (TP Cà Mau) - đau đáu hai điều. Một là mong chồng có thể thay chị nuôi con ăn học nên người, để chúng không lặp lại cảnh đời của bố mẹ. Và niềm mong mỏi thứ 2, là gia đình được chính quyền... cấp sổ hộ nghèo.
Có nhìn vào hoàn cảnh của gia đình chị trước đó, mới hiểu tại sao cái sổ hộ nghèo lại ám ảnh chị Nhân ngay cả khi lựa chọn từ bỏ sinh mệnh quý giá.
Cả nhà 5 người, với một người ốm kinh niên, 3 đứa con đi học, trong đó con trai lớn đã đậu Cao đẳng, chỉ trông vào mức thu nhập không ổn định của vợ chồng chị. Nhưng vì thu nhập trung bình/ nhân khẩu vẫn đạt 1 triệu đồng, mà nhà chị không còn được xét vào diện nghèo, hay cận nghèo. Cũng từ đó, mọi chính sách hỗ trợ đều mất theo.
Bảo hiểm y tế không còn, chị Nhân phải tự lo tiền thuốc men. Vay tiền cho con đi học thì chạy "cửa" ngân hàng nào cũng không được, vì không có sổ hộ nghèo.
Con số bao giờ cũng vô tình, cứ đúng mức quy định dưới 401.000 đồng/ tháng/ nhân khẩu mới được xét hộ nghèo. Nhưng con người - mà ở đây trước hết là chính quyền địa phương - chẳng nhẽ cũng vô tình khi không xét đến hoàn cảnh cụ thể của gia đình chị Nhân để hỗ trợ kịp thời.
Chỉ sau cái chết của chị, bài học về việc chính quyền địa phương "không quan tâm sâu sát đến đời sống, những khó khăn, tâm tư nguyện vọng" mới được rút ra. Và rất nhanh chóng, các hỗ trợ được chỉ đạo thực hiện.
Quả thực, đã có muôn vàn cơ hội tương tự để rút kinh nghiệm, chứ chẳng phải đợi đến cái chết của chị Nhân. Cách đây khoảng hai năm rưỡi, một tờ báo lớn đã đăng tải loạt bài về nỗi cơ cực chạy tiền cho con vào đại học của các gia đình nghèo. Trong đó miêu tả "con đường đau khổ" của những gia đình "kém may" vì không có trong tay sổ hộ nghèo. Ngay cả với những người đủ điều kiện vay cũng phải qua bao thủ tục nhiêu khê với một số quy định bất hợp lý.
Trong hoàn cảnh túng quẫn, nhiều người tìm đến "tín dụng đen", vay nóng đầy mạo hiểm. Truyền thông từng không ít lần cảnh báo tình trạng này, thậm chí gọi đó là "thiếu hiểu biết". Nhưng đặt vào hoàn cảnh những người nghèo, dù có "hiểu biết" đi chăng nữa, liệu họ có tránh được "đâm quàng bụi rậm" khi mà những cánh cửa chính thống "có lối nhưng không thể vào" đối với họ.
Trong khi cuốn sổ hộ nghèo là nỗi đau đáu tới tận lúc chết với những người như chị Nhân, nó lại chẳng phải chuyện quá khó khăn với một số cán bộ chính quyền biến chất. Những câu chuyện cán bộ, rồi ngay cả chủ tịch xã nhà cao cửa rộng mà vẫn quyết "sắm" bằng được sổ hộ nghèo cho nhà mình, cho họ hàng đã không còn hiếm.
Và không chỉ sổ hộ nghèo, những hỗ trợ cấp bách với người nghèo cũng bị xà xẻo. Nào tiền hỗ trợ lũ lụt, mùa màng, bệnh tật, ăn tết... khi đến các cấp trung gian đều có khả năng bị "phù phép", chui vào túi riêng của những người vốn đã đầy túi.
Trong truyện cổ tích hay tiểu thuyết kiếm hiệp thường có những người hùng trượng nghĩa "cướp của người giàu chia cho người nghèo". Nhưng trong hiện thực, có lẽ chẳng gì an toàn hơn chiếm đoạt của người nghèo. Họ đâu có thế lực nào chống lưng, không nhóm lợi ích, chẳng nhóm thân hữu, v.v...
Mới đây, một bài báo đã đặt vấn đề điều kiện để người nghèo được quan tâm, nhân sự kiện gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng được tuyên bố là hướng tới cho các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội. Xem xét từ khía cạnh nhân văn, bài báo đưa ra câu hỏi: nếu không kèm theo nhu cầu tiêu dùng có thể cứu nguy cho bất động sản, thì người nghèo có được nhà nước, Chính phủ nhớ đến hay không?

Học sinh tự chăm lo bản thân khi đi học
"Người nghèo, khôi hài thay, đang được Nhà nước và các doanh nghiệp nhớ đến không phải thường xuyên lắm vào những hôm đẹp trời" - bài báo tổng kết.
2.
Một câu chuyện khác liên quan đến người nghèo cũng được xới lên trong tuần qua, xung quanh vấn đề lương tối thiểu (LTT) và mức sống tối thiểu. Trong các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ LTT, đáng quan tâm nhất vẫn là những người lao động là công nhân.


LTT sau cả chục lần điều chỉnh, đến nay vẫn chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu của người lao động.
Những con số thống kê khác về đời sống công nhân, mà một bài báo mới đây cung cấp, còn đáng báo động hơn nhiều. Theo đó: 94% công nhân phải làm thêm giờ, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 56% mức sống tối thiểu, 26,5% số nam công nhân và 31,8% số nữ công nhân suy dinh dưỡng, 19,2% thiếu máu, 70% thiếu iốt.
Đó là về mặt con số, còn thực trạng đời sống công nhân tại các doanh nghiệp, KCN ra sao thì báo chí đã khắc họa rất nhiều. Cuộc sống của họ là tăng ca liên tục, với những bữa mì gói hay bánh mì không, hoặc những suất cơm không quá 10.000 đồng. Mái nhà của họ là những phòng trọ đông đúc, ẩm thấp.
Với những điều kiện vật chất, làm việc bấp bênh như vậy, thật khó để người công nhân nói đến những mơ ước xa hơn về cuộc sống tinh thần hay xây dựng tương lai.
Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5 vừa qua, đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị giãn lộ trình ra 3-4 năm tới, do tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp, do ngân sách biên chế hạn hẹp,...
Giãn lộ trình tăng LTT, gánh nặng lớn nhất sẽ dồn lên vai những người công nhân, vốn đang phải oằn mình để tồn tại.
Một thực tế khác là trong khi nguồn ngân sách eo hẹp, thì bộ máy nhà nước lại có đến 30-50% đội ngũ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Vậy thì cần tinh giảm biên chế? Giải pháp đó có vẻ dễ dàng nhìn ra được và đã nhìn ra từ rất lâu, có đến... 40 năm nay.
Nhưng thực tế lại chẳng hề "đơn giản như đan rổ" vậy: bộ máy hành chính càng hô hào giảm lại càng phình to. Theo một thống kê của Bộ Nội vụ, sau 4 năm thực hiện giảm biên chế, đến nay bộ máy hành chính đã... tăng thêm 25%.
Mà muốn tinh giảm cũng biết tinh giảm vào đâu, khi "một bộ phận không nhỏ" các công chức đang "bủa vây" các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là thuộc hàng 4, 5 C (tức Con Cháu Các Cụ).
Với tình hình như thế, hành trình chờ đến ngày sống được bằng lương tối thiểu của công nhân chắc sẽ còn dài. 2017 biết đâu sẽ chỉ là cái mốc để tiếp tục... giãn lộ trình tăng lương. Trong lúc đó, những người công nhân sẽ lại tiếp tục bơi ra bằng mọi cách để không "chết chìm", để cho con cái được đi học với hy vọng đổi đời, để chống chọi bệnh tật với đồng lương ít ỏi, v.v...
3.
Mới đây, vị đạo diễn nổi tiếng của Hollywood, Ben Affleck đã tham gia chiến dịch "Live Below the Line" (Sống dưới mức nghèo đói), bằng cách chỉ sống bằng 1,5 đôla mỗi ngày, trong vòng 5 ngày liên tiếp. "1,4 tỷ người sống dưới mức 1,5 USD mỗi ngày", ông cho biết trên Twitter.

Thượng nghị sĩ Carol Brown, Cassy O'Connor MP, Julie Collins MP, Elise Archer MP và Thị trưởng Damon Thomas (Australia) tham gia chương trình "Live Below the Line".
1,5 đôla mỗi ngày, tương đương với khoảng 31.000 VNĐ, số tiền chỉ đủ cho một bát phở ở Việt Nam. Nhưng số tiền này cũng gấp hơn 2 lần mức thu nhập bình quân/ nhân khẩu/ ngày theo quy định hộ nghèo (khoảng 13.000 VNĐ).
Sẽ thế nào nếu một chiến dịch tương tự được thực hiện cho các nhà lãnh đạo, cán bộ chính quyền ở Việt Nam. Biết đâu khi đó những quyết định trên giời, các tuyên bố "chém gió" sẽ bớt đi, và những chính sách hỗ trợ người nghèo sẽ được thực thi nhanh chóng, sát thực tế hơn nhiều?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons